Chinh phục đỉnh cao sự nghiệp là một cách hưởng thụ

-CEO-Berjaya-Vietnam-tambrand
Nguyễn Hoài Nam – CEO Berjaya Vietnam

 

Nguyễn Hoài Nam là cái tên được nhắc đến với nhiều “vai”, mà “vai” nào của anh cũng hoặc hấp dẫn hoặc thành công hơn người: là CEO đẳng cấp quốc tế, là Chủ tịch HĐQT 4 công ty tầm cỡ, là Giám khảo một chương trình truyền hình uy tín, là chồng của một nàng hoa hậu và là bố của 3 đứa con giỏi giang… Regal Insider đã thuyết phục người đàn ông “đa nhiệm” này cùng chia sẻ những chủ đề mà theo anh, rất thú vị: Hưởng thụ

 

Chinh phục đỉnh cao sự nghiệp là một cách hưởng thụ

 

Lúc nào anh cũng đang họp, đang trên ô tô, đang sắp bay.. khiến tôi có cảm giác dường như cuộc sống của anh là những chuyến di chuyển. Thực sự thì một ngày thường nhật của anh sẽ như thế nào?

Với tư cách là một người điều hành một tập đoàn lớn, việc di chuyển giữa các nơi là một phần không thể thiếu trong công việc, theo thư ký của tôi thống kê thì tôi có khoảng 200 chuyến bay mỗi năm. Tôi nghĩ ngay cả khi mình ngồi tại phòng làm việc thì mọi việc vẫn cứ đang dịch chuyển.  Giữa các chuyến đi, một ngày của tôi cũng không khác gì so với những người quản lý khác, bắt đầu từ 8h sáng cho tới 6h tối  giải quyết các công việc chủ yếu liên quan đến chiến lược, phân bổ nhân sự … Tôi luôn cảm thấy nhẹ nhàng và an toàn khi được quay cuồng trong công việc. Nếu không được làm việc, tôi lại cảm thấy bất an. Bởi vì giá trị của một con người là được sống và làm việc. Nếu được làm công việc yêu thích, thực sự đó là hạnh phúc. Ngay đến anh lái xe của tôi, nếu một ngày chỉ đợi ở văn phòng không có một chuyến đi nào, anh ấy cũng cảm thấy không an tâm về công việc.

 

Anh có quá nhiều vai trò: Chủ tịch, Tổng giám đốc, thành viên Ban Giám khảo trong show truyền hình thực tế…khiến cho tôi thấy hầu như cuộc phỏng vấn nào, người ta cũng tò mò hỏi anh về việc phân bổ sự quan tâm đối với mỗi vai trò và ở mỗi thời điểm, anh lại trả lời theo một cách khác. Trong thời điểm này, vai trò nào là cần tập trung nhất, với anh? Vì sao?

Tại thời điểm này, thì cuộc trò chuyện và những câu hỏi của bạn là điều tôi quan tâm nhất. Bởi vì nó thể hiện tính chuyên nghiệp, khi đã nhận lời, thì phải tập trung để hoàn thành, không làm cho xong việc. Quay lại với công việc, mặc dù có nhiều vị trí, nhưng tất cả đều thuộc về Berjaya. Tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc để những nhà đầu tư thế giới có thể thấy rằng, người Việt hoàn toàn có thể đảm nhận tốt vai trò điều hành một tập đoàn lớn khi hoạt động tại Việt Nam và tôi đã làm điều đó, đến năm nay là năm thứ 8 rồi.

 

Vậy anh có thể chia sẻ mục tiêu của năm thứ 8 của Berjaya tại Việt Nam?

Chúng tôi tiếp tục triển khai các dự án đã đầu tư và các dự án đang đưa vào hoạt động. Không có gì đột phá, chúng tôi cố gắng hoàn thành các mục tiêu đặt ra sau nhiều năm khủng hoảng lớn. Tất cả những nỗ lực đều nhằm chứng minh rằng, với Việt Nam, chúng tôi luôn hướng đến phát triển bền vững và thực hiện các cam kết lâu dài.

 

Như anh nói, được bận rộn là một hạnh phúc, chúng ta có tiền bạc, có danh vị, có Thành tựu – Cống hiến – Ghi nhận. Nhưng niềm vui từ công việc có vẻ vẫn rất đơn sắc. Với anh, sự tươi đẹp còn nằm ở những góc nào trong cuộc sống?

Cái tươi đẹp của cuộc sống đơn giản, mình có một công việc để lo lắng, có một căn nhà để về, có người để mong gặp và thậm chí, có cả những khoản nợ phải trả, có kế hoạch công việc để trả những khoản nợ đó. Đó là những niềm hạnh phúc của cuộc sống mà ai cũng mong muốn trải qua. Nếu chúng ta không cảm nhận được đó là một cuộc sống hạnh phúc thì thực tế sẽ chỉ còn sự nặng nề, và vì không thay đổi được, chúng ta sẽ quy ra trách nhiệm. Cuộc sống mà muốn gì được đó thì chưa chắc là hạnh phúc, bởi vì đó là một cuộc sống không có thật. Một cuộc sống bao giờ cũng có trăn trở, nỗi nhớ, những lo toan nhất định, ước mơ, có gia đình, có sự trăn trở của một công dân với đất nước, và thật thú vị khi có nhiều bạn bè – những người luôn chấp nhận cả các tính xấu của mình…

 

Một thời gian dài, người ta dùng chữ “hưởng thụ” theo một nghĩa rất tiêu cực. Anh hiểu Hưởng thụ theo một quan điểm  như thế nào?

Người ta nghĩ Hưởng thụ là nghĩ đến vật chất, mà như thế thì cuộc sống này khó lắm, vì người giàu không phải là đa số. Nhưng người biết hưởng thụ sẽ cảm nhận được xung quanh mình nhiều điều tốt đẹp, biết chấp nhận hiện tại và làm tốt nhất hiện tại mình đang có. Như là một người ở căn hộ nhỏ, mong ước có một sân vườn nhưng không thể có, họ chỉ cảm thấy thất vọng. Nhưng một người khác, coi công viên trước mặt là một sân vườn riêng, để đi dạo, ngắm cảnh trong đó, không mang nhiều tính sở hữu thì đương nhiên họ được hưởng thụ một khoảng xanh riêng. Nói như vậy, có vẻ AQ, nhưng nếu đã cố gắng và nỗ lực nhất trong khả năng, mà kết quả về mặt vật chất không như mong muốn, thì hãy cứ hài lòng với những gì mình có và xây dựng kế hoạch trong khả năng đó để mà sống vui, sống trọn vẹn, chứ không so đo từng món đồ đắt tiền với những người có khả năng.Tối đa hóa việc sử dụng một vật dụng cũng là một cách thông minh để hưởng thụ. Giống như khi người ta nói lãng mạn là phải lên tầng cao nhất của Sài Gòn, nhâm nhi 2 ly vang đắt giá, nhưng cũng có người chọn một góc sông của Sài Gòn, nơi chưa bị đô thị hóa với 2 cốc café mua sẵn, đó cũng là lãng mạn, là hưởng thụ.

 

Nhưng nói gì thì nói, tôi thấy tiền bạc không thể không liên quan đến vấn đề này. Tôi thấy rất nhiều doanh nhân, thực sự say mê công việc đến mức không có thời gian đi nghỉ dưỡng, không sắp xếp được nhiều kế hoạch cho thư giãn. Nhưng với những người có thu nhập eo hẹp, đi nghỉ dưỡng lại là một vấn đề, mà chủ yếu liên quan tới chi phí. Theo anh, để hưởng thụ thì quan trọng nhất là tiền bạc hay thời gian?

Hưởng thục đôi lúc cần cả tiền bạc và thời gian, nhưng chưa chắc đã đồng nhất với  nghỉ dưỡng, quan trọng nhất, là cần trải tâm hồn của mình ra để cảm nhận cuộc sống. Đơn giản như với tôi, trong chuyến bay về Đà Nẵng, tôi sẽ không ăn trước đó hoặc trên chuyến bay, để được dành trọn vẹn vị giác cho một tô bún chả cá, một đặc sản của quê hương. Trở lại với câu hỏi của bạn. Tôi không tin, có một doanh nhân nào đó không thể sắp xếp một kì nghỉ trong vòng 2 năm, mà tôi tin rằng, say mê công việc, làm ra tiền, chinh phục các thử thách, các đỉnh cao trong sự nghiệp, làm những việc người khác không làm được, ghi tên mình vào danh mục hạn chế trên khắp thế giới, được cháy hết mình trong công việc… chính là một cách hưởng thụ đối với họ. Tôi biết một doanh nhân nói rằng “3-4 năm nay chưa từng đi nghỉ dưỡng”, khi đó tôi cảm nhận đằng sau câu nói đó là một niềm hạnh phúc và hãnh tiến không dễ ai có được.

Chúng ta nên mở rộng nghĩa của từ hưởng thụ ra khỏi phạm vi của thời gian, tiền bạc, những quần áo đẹp, những món ngon…

 

Vậy với cá nhân anh, quãng thời gian anh cảm thấy mình được hưởng thụ đúng nghĩa nhất là khi nào?

Với cá nhân tôi, thời gian tôi tận hưởng cảm giác hạnh phúc nhất là khi những đứa con gặp nhau, vì một cháu hiện đang học tại Mỹ, hai cháu học tại Việt Nam. Vào khoảng nghỉ hè, khi 3 đứa con được ở bên vợ chồng tôi, chúng tôi thường dành khoảng 10 ngày nghỉ ngơi bên nhau. Trong 10 ngày đó, tôi chỉ làm cha, làm chồng. Với Rim thì nói chuyện tuổi teen, với bé Tom và Ben thì cùng chơi và hướng dẫn chơi các trò trẻ con. Đó thực sự là một quãng thời gian viên mãn nhất của tôi.

 

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng anh có thể tạo ra được 10 ngày “không việc” , giữa những bận rộn sao?

Đương nhiên vẫn có những công việc, vẫn có email và các cuộc gọi không thể từ chối, nhưng ở mức độ sắp xếp được. Tôi nghĩ rằng đối với một doanh nhân, quản lý quỹ thời gian hoàn toàn bằng lý trí để xác định đâu là thời gian nghỉ ngơi. Chẳng hạn, trong ngày làm việc, chúng tôi có thể đi đánh golf mà chẳng ai cấm đoán, có điều, như vậy không thể cảm thấy thoái mái vì còn rất nhiều trách nhiệm với công việc. Đã tới lúc chúng ta quản lý công việc bằng chính sự tự trọng. Nhưng 30/4 sắp tới, trên sân chơi golf, tôi chắc chắn là tâm trạng gấp 100 lần sau tất cả những tất bật.

 

Tôi nhớ anh  từng nói lãng mạn cũng cần có quy trình để tạo ra nó, hưởng thụ thì có cần quy trình không?

Có chứ, mọi công việc đều cần có quy trình mà trong đó sự chuẩn bị đã chiếm 50% thành công. Ví dụ hôm nay tôi gặp 1 đối tác, công việc không có gì quá bí mật, chỉ là bàn về triển khai, và để đỡ căng thẳng, chúng tôi hẹn nhau tại một nhà hàng, tôi có nói với đối tác là “Chắc tôi không đi một mình, tôi có một vài người bạn đã hẹn trước, nếu anh có một vài người bạn khiến anh thoải mái, anh cũng nên dẫn đi cùng”. Như vậy trong 1 buổi gặp các bạn có thể tranh thủ làm quen với nhau mà chúng tôi vẫn bàn được công việc trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Đó là một cách tự thưởng, một cách cân bằng không mới với bất cứ doanh nhân nào để có đủ năng lượng làm việc tiếp. Nhưng, để thực hiện được việc đó, cần phải có một sự cân nhắc, lựa chọn những người đi cùng hợp gout, địa điểm phù hợp… một người khéo và biết nghĩ cho người khác sẽ làm điều đó một cách cẩn trọng, không lộ liễu, để tạo ra một sự dễ chịu cho tất cả.

 

Anh đã tạo ra một sự dễ chịu như thế nào đối với những người xung quanh anh như gia đình, nhân viên? Hay nói một cách khác, anh làm thế nào để quan tâm đến điều kiện hưởng thụ của họ?

Theo tôi, mọi điều đều phụ thuộc vào tinh thần. Tôi thường xuyên chia sẻ những nội dung tích cực, qua facebook, qua những cuộc trò chuyện, để mọi người cùng thấy rằng, cuộc đời đầy những khó khăn, đầy trắc trở, nhưng đó là cuộc đời, đừng vì thế mà nản chí, sân si bởi vì những mất mát đó ai cũng từng trải qua, vì khó khăn đó ai cũng từng trải qua, vì trở ngại trong công việc đó ai cũng từng gặp phải.. những việc này hiển nhiên, hãy chấp nhận điều đó để cảm nhận bao dung hơn cuộc sống. Ba của tôi là một ví dụ, trước đây Ba sống trong một căn nhà ở một hẻm nhỏ, với 4 cây cảnh ngoài vườn. Nhưng thuyết phục Ba chuyển đến một căn hộ mới thực ra không đơn giản. Bởi vì thế hệ trước, người ta thường nghĩ tới hưởng thụ gắn với sở hữu. Vì thế, Ba nghĩ rằng nhà đó là chung, vườn đó là chung, không gian công viên đó là chung, không phải của mình. Việc của tôi là thuyết phục Ba rằng, mọi thứ đều thuộc về ông, nếu ông thấy trách nhiệm và quyền lợi của mình trong đó. Và cuối cùng, khi hòa nhập vào không gian mới, ông thấy mình thoải mái hơn, thư thái hơn nhiều so với nơi ở cũ.

 

Khi vượt qua rào cản sở hữu, người ta sẽ thấy mình hạnh phúc hơn.

 

Trước khi thực hiện buổi phỏng vấn, tôi có gửi anh câu chuyện nằm trong Lời mở đầu của số báo này, một câu chuyện về Buffett, tôi rất muốn hỏi, anh đã từng có một lần nào hoặc ngẫu hứng, hoặc có chủ ý gác một việc lớn sang một bên để dành thời gian thực hiện một niềm vui nho nhỏ cho mình hoặc cho người thân chưa?

Có chứ, vì tôi vừa mới làm xong.Tôi có hẹn 2 bé trai thứ 3 đi sắm đồ chơi nhưng mà sau đó tôi kẹt những cuộc họp từ thứ 2 đến thứ 5 tại Hà Nội. Thường thì như thế, tôi sẽ không về, nhưng chiều hôm đó các con gọi điện (mà Tom và Ben còn nhỏ nên ít khi dùng tới điện thoại lắm), với một giọng thất vọng rằng Ba chắc là không về đi cùng rồi. Tôi cảm thấy vô cùng có lỗi nếu không thực hiện lời hứa của mình, nên đã sắp xếp để bay về ngay sau giờ làm việc hôm đó, dành 1 quãng thời gian ngắn ngủi, đi mua sắm với các con rồi trở lại Hà Nội ngay. Và đó thực sự là một niềm hạnh phúc bất ngờ của các con mà tôi có thể cảm nhận được, cũng là quãng thời gian, tôi cảm thấy mình được tận hưởng những niềm vui nho nhỏ của cuộc sống.

 

Cám ơn anh đã dành thời gian cho Regal Insider.

 

 Regal Insider Magazine

 

-CEO-Berjaya-Vietnam-tambrand

Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam

Tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh – Đại học Nam California

CEO tập đoàn Berjaya tại Việt Nam từ 2007 đến nay

Chủ tịch HĐQT khách sạn Intercontinental Hà Nội

Thành viên HĐQT khách sạn Sheraton Hà Nội

Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SBBS

Chủ tịch HĐQT Công ty Truyền thông và Đầu tư Nam Hương

Giám khảo chương trình truyền hình CEO – Chìa khóa thành công

 

 

 

 

Với đội ngũ nhân viên trên 10 năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn đồng hành tư vấn và phát triển cùng doanh nghiệp của bạn ngày càng lớn mạnh. Mọi yêu cầu tư vấn thiết kế và in ấn, vui lòng liên hệ:

Mythuat24h Office

Leave a Reply

09.3339.OOO8